Ung thư dạ dày được xếp đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư hàng đầu hiện nay. Theo thống kê của cơ quan nghiên cứu ung thư thế giới (International Agency for Research on Cancer – IARC), năm 2018 thế giới có tới 18.08 triệu người mắc ung thư, trong đó 9.5 triệu tử vong. Tại Việt Nam con số là 164.671 ngàn ca và tử vong là 114.871 ca. Các dạng ung thư ở nam giới chiếm 21.5% ung thư gan, 18.4% ung thư phổi, 12.3% ung thư dạ dày, 8.4% đại trực tràng và 5% ung thư vòm. Ở phụ nữ lần lượt là 20.6% ung thư vú, 9.6% đại trực tràng, 9.4% phổi, 8.6% là ung thư dạ dày và gan là 7.8%. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 70% bệnh nhân mắc ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn muộn (III hoặc IV) do không có kiến thức về bệnh cũng như không chịu đi thăm khám.
TỔNG QUAN
Từ số liệu trên ta có thể thấy tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày ở nam cao hơn phụ nữ khoảng 3.7% và ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư ở nam giới, thứ 4 trong các bệnh ung thư ở nữ giới. Vậy căn bệnh nguy hiểm này là như thế nào, có mấy giai đoạn, có lây không,..? Hãy cùng tìm hiểu trong bài nghiên cứu dưới đây.
Ung thư dạ dày là gì?
Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào bình thường của dạ dày bỗng trở nên bất thường, tăng sinh một cách đột biến, mất kiểm soát và xâm lấn cục bộ sang các mô ở gần hoặc di căn (xâm lấn các mô ở xa) thông qua bạch huyết.
Bệnh lý ung thư dạ dày thường liên quan đến vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori), chế độ ăn uống và đặc thù môi trường sống. Bệnh thường diễn biến âm thầm ở giai đoạn khởi phát nên khi phát hiện thường ở giai đoạn muộn.
Các giai đoạn ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày được chia làm 5 giai đoạn. Ở giai đoạn 0 sẽ không có bất kỳ dấu hiệu nào được nhận thấy từ bên ngoài vì tế bào ung thư vừa mới hình thành trên niêm mạc, còn gọi là ung thư biểu mô.
Giai đoạn 1: Tế bào ung thư đã xâm lấn vào lớp thứ 2 của thành dạ dày (lớp dưới niêm mạc), rồi lan sang các hạch bạch huyết khác nhau hoặc xâm lấn vào lớp thứ 2, thứ 3 của thành dạ dày nhưng không lan sang các hạch bạch huyết và cơ quan khác.
Giai đoạn 2: Ung thư giai đoạn này còn có tên gọi là ung thư dưới cơ niêm và có 3 trường hợp có thể xảy ra:
- Khối u chỉ xâm lấn đến lớp dưới niêm mạc và tế bào ung thư dạ dày lan sang 7 – 15 hạch bạch huyết.
- Khối u lấn đến lớp cơ và lan ra 1 – 6 hạch bạch huyết.
- Khối u xuyên qua thành dạ dày và không lan đến bất kỳ hạch bạch huyết hay cơ quan nào khác.
Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã lan ra nhiều hạch bạch huyết và di căn ra các cơ quan ở xa hơn. Giai đoạn này cũng được chia làm 3 trường hợp:
- Khối u chắc chắn đã xâm lấn đến lớp niêm mạc và lớp cơ đồng thời đã lan ra 7 – 15 hạch bạch huyết.
- Khối u đã xâm lấn ra bên ngoài dạ dày, tế bào ung thư đã lan ra từ 1 – 15 hạch bạch huyết.
- Khối u đã xâm lấn đến các cơ quan như gan, đại tràng, lá lách và không lan đến hạch bạch huyết và các cơ quan ở xa.
Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn muộn nhất, các tế bào ung thư đã lan qua gan, tụy và hạch bạch huyết. Ở giai đoạn này cơ hội sống của bệnh nhân gần như bằng không. Giai đoạn 4 cũng được chia làm 3 trường hợp:
- Tế bào ung thư đã lan hơn 15 hạch bạch huyết
- Khối u xâm lấn các cơ quan xung quanh và ít nhất 1 hạch bạch huyết
- Di căn sang các cơ quan ở xa.
Ung thư dạ dày có lây không?
Đây là mối quan tâm của rất nhiều bệnh nhân, thậm chí là người nhà của bệnh nhân. Cho đến thời điểm hiện tại thì vẫn chưa có bằng chứng nào chỉ ra rằng ung thư dạ dày có thể lây lan từ người bệnh qua người khỏe mạnh.
Lý do rất đơn giản vì không có một nguyên nhân cụ thể nào được tìm thấy là nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Ví dụ, cùng là một loại vi khuẩn HP nhưng có người bị ung thư còn người khác thì lại không.
Tuy nhiên, việc sống chung với người bệnh có thể khiến người khỏe mạnh gia tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày bởi sự tương đồng về thói quen sinh hoạt, ăn uống, lây vi khuẩn HP… Rất nhiều trường hợp, người thân trong gia đình cùng đến khám bệnh lý về dạ dày, tá tràng đều có kết quả tương tự nhau, cùng nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (HP).
NGUYÊN NHÂN UNG THƯ DẠ DÀY
Như đã nói ở trên, chưa thể khẳng định chính xác nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày là gì. Tuy nhiên, bệnh lý này có liên quan đến các tổn thương trước ung thư (tiền ung thư), môi trường sống, yếu tố nội sinh hoặc di truyền:
- Tổn thương tiền ung thư: Các bệnh lý về dạ dày nếu không được chữa trị có thể dẫn tới viêm teo mãn tính phần niêm mạc dạ dày dẫn tới các biến đổi dị sản, loạn sản của tế bào theo cấp độ nhẹ đến nặng. Lâu dần có thể hình thành khối u ác tính.
- Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): Không phải ai bị nhiễm khuẩn HP trong dạ dày đều bị ung thư. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân gây ra viêm loét niêm mạc dạ dày, gây nên các tổn thương ban đầu (tiền ung thư).
- Ăn các thực phẩm chứa nhiều Nitrate như thịt cá muối, dưa muối, thịt nướng, hun khói,.. có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
- Béo phì: Người thừa cân béo phì có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn người bình thường. Có lẽ đến từ việc áp lực tạo ra cho dạ dày khiến cơ quan này bị suy yếu hoặc do ăn quá nhiều các đồ ăn kể trên.
- Nhóm máu: Người có nhóm máu A có nguy cơ cao hơn những người có nhóm máu còn lại.
- Từng điều trị, phẫu thuật dạ dày trước đó.
- Di truyền: Ung thư dạ dày có liên quan đến một số hội chứng được di truyền từ thế hệ trước đó là “đa polyp tuyến, ung thư đại trực tràng không đa polyp hay đột biến gen CDH1”.
NHỮNG TRIỆU CHỨNG UNG THƯ DẠ DÀY LÀ GÌ?
Các dấu hiệu ung thư dạ dày ở các giai đoạn đầu thường không rõ ràng. Ở mỗi giai đoạn tiếp theo sẽ có những biểu hiện khác nhau:
- Đau, chướng bụng kéo dài, liên tục đặc biệt ở vùng thượng vị (trên rốn).
- Ợ hơi liên tục: Có thể đến từ các đồ ăn, thức uống gây đầy hơi. Tuy nhiên, nếu ợ hơi kéo dài thì cần xem xét.
- Sút cân: Cân giảm không rõ nguyên do hoặc do ăn kém, không có cảm giác thèm ăn dẫn tới sút cân.
- Buồn nôn hoặc nôn: Chán ăn kèm theo nôn hay ợ chua là một dấu hiệu của ung thư dạ dày.
- Đi ngoài phân đen: bệnh ung thư dạ dày có thể gây ra xuất huyết đường tiêu hóa làm phân đen khi đi đại tiện hoặc nôn ra máu.
- Nuốt nghẹn: Nếu khối u ở gần khu vực tâm vị hoặc đoạn nối của tâm vị thì khi nuốt sẽ có cảm giác như bị chặn lại.
- Sờ thấy khối lạ ở bụng: Thường chỉ khi khối u phát triển lớn – tức ở giai đoạn 3, 4.
Những triệu chứng ung thư dạ dày này thường giống các triệu chứng bệnh lý dạ dày khác nên cần thăm khám và làm các xét nghiệm để biết chính xác.
NHỮNG ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ MẮC UNG THƯ DẠ DÀY
- Tuổi cao (thường ngoài 50 tuổi)
- Có người thân trong gia đình mắc ung thư dạ dày hoặc ung thư đại trực tràng
- Bệnh nhân mắc các vấn đề về dạ dày, tá tràng, nhiễm vi khuẩn HP
- Người từng làm phẫu thuật cắt dạ dày
- Người hay có thói quen ăn các đồ nướng, đồ ăn bảo quản, chất lượng kém..
- Người thường xuyên hút thuốc, uống đồ uống có cồn, gas..
- Và những người có triệu chứng nêu trên.
CHẨN ĐOÁN UNG THƯ DẠ DÀY
Chẩn đoán ung thư dạ dày sẽ dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng.
Thăm khám lâm sàng
Dựa vào các biểu hiện triệu chứng nêu trên như: chướng bụng, đầy hơi, ợ, khó tiêu, chán ăn, sút cân không rõ nguyên do,.. hoặc các thể ấn đau thượng vị, sờ thấy khối u,..
Thăm khám cận lâm sàng
Áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để xác định chính xác bệnh ung thư dạ dày, hình thái, kích thước, mức độ nghiêm trọng, giai đoạn..
- Nội soi dạ dày sinh thiết: Phương pháp tốt nhất để chẩn đoán ung thư dạ dày.
- Siêu âm, nội soi dạ dày: Đánh giá mức độ xâm lấn, di căn hạch.
- Chụp cắt lớp (CT): Đánh giá mức độ xâm lấn, phát hiện các di căn hạch và di căn xa.
- Siêu âm ổ bụng: Phát hiện tổn thương di căn hạch và các tạng khác nếu có.
- Xét nghiệm với chất chỉ điểm khối u: CEA, CA 72-4 và CA 19-9.
TẦM SOÁT UNG THƯ DẠ DÀY
Nên thực hiện tầm soát định kỳ ung thư dạ dày để sớm phát hiện ngay cả khi nó chưa có biểu hiện triệu chứng gì. Dưới đây là một số đối tượng nên thực hiện tầm soát ung thư dạ dày – thực quản và đại trực tràng:
Nam nữ trên 40 tuổi hoặc nam nữ dưới 40 tuổi nếu có một trong những yếu tố sau:
- Tiền sử trong gia đình có người mắc ung thư dạ dày hoặc đại tràng, thực quản.
- Gia đình có người bị hội chứng di truyền đa polyp
- Bản thân từng có polyp dạ dày, đại trực tràng
- Người bị trào ngược dạ dày – thực quản, bị viêm loét dạ dày, đại tràng, Barret thực quản,..
- Những người đang có các triệu chứng như khó nuốt, có lẫn máu trong phân, thay đổi thói quen đại tiện như phân mỏng hơn, táo bón, tiêu chảy kéo dài,..
ĐIỀU TRỊ UNG THƯ DẠ DÀY
Kết quả điều trị có tỷ lệ thành công cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp, đặc biệt là tình trạng sức khỏe của người bệnh, ung thư đang ở trong giai đoạn nào, đã di căn chưa,.. Ung thư dạ dày có thể điều trị bằng một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp sau:
- Phẫu thuật cắt bỏ: Ở giai đoạn khởi phát, bệnh ung thư dạ dày có thể được điều trị bằng nội soi EMR và ESD. Có thể được chỉ định cắt toàn bộ hoặc một phần dạ dày tùy vào kích thước khối u, giai đoạn bệnh.
- Hóa trị: Có thể áp dụng trước hoặc sau phẫu thuật. Sử dụng hóa chất để ức chế phát triển và tiêu diệt tế bào ung thư bên trong dạ dày.
- Xạ trị: Sử dụng các tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Các tia được tính toán chính xác để không gây ảnh hưởng sang các tế bào dạ dày khỏe mạnh xung quanh. Trong ung thư dạ dày, xạ trị thường được sử dụng để xử lý các tế bào ung thư còn sót lại và phương pháp này có thể kết hợp hóa trị.
- Điều trị miễn dịch: Sử dụng các loại thuốc đặc trị để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể tự chống lại tế bào ung thư.
- Điều trị đích: Sử dụng các kháng thể đơn dòng kháng lại các yếu tố phát triển biểu mổ Her-2/neu (Trastuzumab), kháng thể đơn dòng ức chế thụ thể yếu tố phát triển biểu mô EGFR (cetuximab) hay kháng thể đơn dòng ức chế yếu tố phát triển mạch máu VEGF (bevacizumab).
MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
Ung thư dạ dày là một bệnh lý nguy hiểm và thường không có dấu hiệu trong quá trình khởi phát hay dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý dạ dày khác
Ung thư dạ dày có chữa được không?
Trả lời: Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm (càng sớm thì tỷ lệ thành công càng cao). Tuy nhiên, bệnh ung thư dạ dày thường không có dấu hiệu khởi phát, diễn ra âm thầm cho đến các giai đoạn muộn, đặc biệt là giai đoạn 3 và giai đoạn cuối. Lúc này, tế bào ung thư đã phát triển lớn, di căn sang các cơ quan nội tạng khác, việc cứu chữa chỉ giúp kéo dài thêm sự sống cho bệnh nhân và tỷ lệ chữa khỏi gần như là không có.
Bệnh ung thư dạ dày có lây được không?
Trả lời: Mời xem lại tại phần TỔNG QUAN ở phần đầu bài.
Ung thư dạ dày sống được bao lâu?
Trả lời: Thời gian sống của bệnh nhân bị ung thư dạ dày còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý, phương pháp điều trị và các thói quen chăm sóc bản thân, mức độ lạc quan, ý chí,.. Đối với bệnh ung thư giai đoạn cuối thì có thể kéo dài được từ 1 – 3 năm.
Bị ung thư dạ dày nên ăn gì, kiêng ăn gì?
Trả lời: Dinh dưỡng đối với bệnh nhân điều trị ung thư thường rất quan trọng. Chính vì vậy cần thực hiện đúng theo các chỉ dẫn của bác sĩ:
- Các thực phẩm nên bổ sung: Ăn các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo. Ăn 6 – 7 bữa mỗi ngày với các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, đồ hầm, súp,.. Bổ sung các thực phẩm giàu Protein (sữa, trứng, phô mai), Calo (thịt, nước sốt thực phẩm), tăng hàm lượng Chất béo bằng việc thêm dầu, bơ, Canxi (bắp cải, bông cải xanh, sữa, trứng, pho mát và bánh mì mềm), Vitamin D, Sắt,.. Ngoài ra có thể cho bệnh nhân ăn các loại nấm, đậu phụ tươi sẽ rất tốt cho quá trình ức chế tế bào ung thư trong dạ dày.
- Các thực phẩm cần kiêng: Tránh đồ ăn kích thích mạnh đến dạ dày như: đồ ăn chua, cay nóng, rượu bia, cà phê, chè, không uống sữa lúc đói,..
Mổ ung thư dạ dày hết bao nhiêu tiền?
Trả lời: Mổ phẫu thuật ung thư dạ dày thường được sử dụng theo 2 phương pháp là mổ hở hoặc mổ nội soi. Chi phí cho một quá trình mổ thường phụ thuộc rất nhiều yếu tố nhưng thường dao động trong khoảng từ 6 – 100 triệu đồng (chỉ là con số tham khảo).
Ung thư dạ dày có lây qua di truyền không?
Trả lời: Như phần nguyên nhân cũng đã đề cập, ung thư dạ dày thường liên quan đến một số bệnh di truyền vậy nên nếu gia đình có tiền sử bị ung thư dạ dày, đại tràng thì thành viên trong gia đình sẽ có tỷ lệ mắc cao hơn.
Trên đây là những câu trả lời nhằm giúp bệnh nhân hay người nhà có thêm thông tin về bệnh ung thư dạ dày cũng như định hướng điều trị. Mọi thắc mắc cần tư vấn thêm từ chuyên gia hãy liên hệ trực tiếp Sinh Long Đường để được giải đáp.